Tràn lan mỹ phẩm hàng hiệu giả: Vì dân ta hiền?



Dân Việt Nam khi gặp hàng giả, hàng nhái thì chỉ biết âm thầm ngừng dùng sản phẩm đó chứ ít khi khiếu nại. Phải chăng, đây là nguyên nhân khiến việc mua mỹ phẩm thật tại Việt Nam thì khó, còn mua hàng giả thì… quá dễ!
Treo biển “Thanh lý cửa hàng” suốt 1 năm
Là người hay dùng mỹ phẩm nhưng Mỹ Linh (Tây Hồ, Hà Nội) tuyệt đối không bao giờ đến các cửa hàng mỹ phẩm trên phố: “Mua mỹ phẩm thật tại Việt Nam khác gì mò kim dưới đáy biển, chứ mua hàng giả, hàng nhái thì dễ lắm…”
Trước đây, có cô bạn thân du học ở nước ngoài thì Linh thường xuyên nhờ bạn mua hộ. Giờ cô bạn thân về nước, Linh cũng đoạn tuyệt với mỹ phẩm.
Đi dọc các tuyến phố Cầu Giấy, Lương Văn Can, Phạm Ngọc Thạch… đều bắt gặp những shop mỹ phẩm mang tên L’Oréal và  Maybelline, Mac, Lacôme, Chanel, Dior – những hãng mỹ phẩm ngoại nổi tiếng trên thế giới trưng đủ các loại biển khai trương giảm giá: mua 1 tặng 1, thanh lý cửa hàng, xả hàng tồn kho…
Ghé vào một cửa hàng mỹ phẩm trên đường Cầu Giấy. Được biết tấm biển thanh lý cửa hàng đã được trưng gần một năm nay. Nhân viên mời chúng tôi hết sức nhiệt tình và không quên giới thiệu các chương trình khuyến mại tại cửa hàng: Khách hàng có thể lựa chọn giảm giá 50% hoặc nhận quà tặng cho đủ số tiền được giảm. Ngoài ra còn được nhận một thẻ khách hàng VIP, siêu giảm giá cho những lần mua sau hoặc ăn hoa hồng nếu đưa khách tới cửa hàng.
Chúng tôi mua một hộp phấn MAC có giá ghi 615 nghìn đồng và được nhận quà tặng là một mascara mắt và kem tẩy da chết của L’ovite giá ngang tầm hộp phấn trên. Khi chúng tôi thắc mắc, không có tiếng Việt đi kèm thì được nhân viên giải thích là “hàng xách tay” và  đang trong dịp thanh lý để trả cửa hàng nên bán giá đó.
Tại cửa hàng số 4 phố Lương Văn Can, nhân viên cửa hàng giới thiệu cho chúng tôi các sản phẩm. Hình thức thanh lý còn mạnh tay hơn nhiều. Ngoài được giảm 40 % khi mua hộp phấn nén hoặc phấn bột MAC, chúng tôi còn được nhận một hộp kem phấn lót có giá trị lên đến 399 nghìn đồng.
Tại cửa hàng L’Oréal trên đường Phạm Ngọc Thạch, tôi hỏi mua một hộp phấn phủ. Nhân viên bán hàng đưa ra một hộp phấn Maybelline giá chỉ còn hơn 50 nghìn trong khi tại Pakrson là 99 nghìn đồng. Tôi thắc mắc không tìm thấy tên nhà phân phối thì người bán chỉ nói nhập theo lô nên tên nhà phân phối không ghi trên sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Nga (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) mua cho mình một lọ nước hoa tại phố Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm. Thấy treo biển giảm giá 40% nên chị vào mua. Lọ nước hoa Chanel có giá 1,7 triệu đồng, giảm giá còn hơn 900 nghìn đồng.
Thế nhưng, khi đến siêu thị BigC, chị thấy có bán lọ nước hoa giống hệt của mình mà không có giảm giá. Nhân viên bán hàng tại siêu thị BigC khẳng định, hàng chính hãng không có giảm giá, bán đúng giá do nhà phân phối đưa ra, không có sản phẩm tồn kho để thanh lý, giảm giá.
So sánh kỹ giữa 2 loại nước hoa này, chị Nga cho biết, nước hoa chị mua trên phố là hàng Chanel của Pháp vậy mà trên tem lại ghi “made in Korie”, có tem chính hãng, tem chống hàng giả hẳn hoi; còn nước hoa bầy trong siêu thị không có tem đảm bảo nhưng lại ghi rõ công ty phân phối.

Các shop mỹ phẩm hàng hiệu đua nhau giảm giá


Theo bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu TƯ, số ca bị dị ứng mỹ phẩm tới bệnh viện khám hàng năm khá nhiều. Nếu dùng mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm tự pha chế nguy cơ bị dị ứng là rất cao tùy theo cơ địa của từng người.
Khi lựa chọn mua sản phẩm người tiêu dùng cần chú ý xem kỹ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, có tên và địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường ghi trên nhãn sản phẩm.
Mức xử phạt mỹ phẩm giả đã lỗi thời
Trao đổi với Bee, ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó phòng Quản lý chất lượng, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, trách nhiệm chính trong vấn đề mỹ phẩm giả, nhái là các cơ quan thanh tra, quản lý thị trường.
Tuy nhiên, Chi cục QLTT TP.HCM cho biết, nhiều trường hợp nghi là hàng giả nhưng do không liên lạc được với chủ sở hữu nhãn hiệu bị giả nên không đủ cơ sở kết luận là hàng giả, đành phải xử lý như quy định đối với hàng lậu.
Một khó khăn nữa là văn bản quy định pháp luật về xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm còn thiếu nhất quán. Cụ thể như cùng là tang vật hàng giả, hàng nhái, có văn bản quy định phải tịch thu, tiêu hủy nhưng văn bản khác lại quy định chỉ phạt tiền.
Cũng bức xúc về sự bất cập từ các văn bản pháp quy, dược sĩ Đỗ Ngọc Dũng, đại diện Sở Y tế TP.HCM, cho biết sở đã nhiều lần kiến nghị sửa gấp Nghị định 45/2005/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, vì nghị định này không cập nhật đầy đủ các sai phạm trong lĩnh vực mỹ phẩm, khiến thanh tra không có cơ sở xử phạt mà chỉ nhắc nhở, khiển trách, không đủ răn đe và ngăn chặn những đơn vị cố tình vi phạm.

Phấn nén và phấn mắt được nhiều người săn tìm
Chưa có quy chuẩn phân biệt mỹ phẩm giả
Được biết, hiện vẫn chưa có một quy chuẩn nào của cơ quan chức năng hướng dẫn người dân phân biệt và nhận biết mỹ phẩm giả. Do đó, người dân nếu không dựa vào kinh nghiệm bản thân hoặc mách nước của những người quen thân thì sẽ không làm sao phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý chất lượng mỹ phẩm chưa được làm mạnh vì người dân Việt Nam khi gặp hàng giả, hàng nhái thì cũng ít khi khiếu nại. Phản ứng thông thường là… âm thầm ngừng dùng sản phẩm đó. Phải chăng, đây chính là nguyên nhân khiến việc mua mỹ phẩm thật tại Việt Nam thì khó, còn mua giả thì… quá dễ!
Theo Bee